Bình Dương hướng tới phát triển khu công nghiệp chất lượng cao
(Xây dựng) – Từ khi tái lập tỉnh, đến nay Bình Dương đã có bước bứt phá ngoạn mục trở thành tỉnh công nghiệp với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm luôn đạt hai con số và luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bình Dương hiện là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số 4.016 dự án đầu tư từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ đô la Mỹ. Từ một tỉnh thuần nông trở thành một địa phương phát triển nhanh chóng về công nghiệp – đô thị – dịch vụ với 34 khu công nghiệp (KCN) giúp vị thế tỉnh ngày càng được nâng cao.
Quy hoạch KCN bài bản
Từ khi hình thành KCN đầu tiên mang tên Sóng Thần 1 ( năm1995), tiếp đó là các KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Đồng An, Mỹ Phước, Bàu Bàng… ra đời. Đến nay, sau gần 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 34 KCN với tổng diện tích 14.7290 ha. Trong số này, Bình Dương đã thành lập 29 KCN với diện tích đất 12.662ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 10.962 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 88%.
Nói đến phát triển KCN, Bình Dương đã sớm định hướng và quyết tâm xây dựng các KCN tập trung với phương châm hạ tầng KCN đi trước một bước, bảo đảm phục vụ và thu hút đầu tư cho các ngành công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Bình Dương đã biết phối hợp các hình thức vừa lấy thành phần kinh tế quốc doanh, vừa mạnh dạn cho kinh tế ngoài quốc doanh xây dựng KCN. Nhờ vậy, từ KCN Sóng Thần 1 do Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư, sau đó đã nhân rộng nhiều KCN khác như Việt Nam – Singapore (Becamex), Việt Hương (Công ty cổ phần Việt Hương), KCN Bàu Bàng (Becamex)…
Theo ông Bùi Minh Trí – Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và xu thế mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng. Do đó xây dựng các KCN chất lượng cao là cần thiết trong bố cảnh hiện nay.
Nhằm tạo chuỗi cung ứng thuận lợi cho các doanh nghiệp, mới đây Ban Quản lý các khu chế xuất – KCN – khu kinh tế các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các nhà đầu tư trong vùng.
Hiện nay, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN của Chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt 56% tổng vốn được phê duyệt (tỷ lệ giảm do KCN Cây Trường, VSIP III đang triển khai). Cùng đó là hạng mục cây xanh tại 29 KCN đã trồng được trên 655ha cây xanh tập trung và 104.803 cây xanh phân tán. Để phát triển các KCN, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng KCN mà thay vào đó là huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển.
Chiến lược phát triển KCN chất lượng cao
Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An đã gần như cạn kiệt, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215ha, TX.Tân Uyên có 1.630ha, TX.Bến Cát có 3.200ha và thành phố Thủ Dầu Một có 765ha.
Ông Bùi Minh Trí cho biết, từ nay đến năm 2025 Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN – khu đô thị – khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.
Quan điểm của tỉnh Bình Dương là hạ tầng giao thông đi trước một bước, coi giao thông là mạch máu của nền kinh tế nhằm tạo động lực mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, hình thành đô thị, nâng cao dịch vụ và đời sống của nhân dân.
Bình Dương đang triển khai Vùng đổi mới sáng tạo với mô hình 5 lớp gồm: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhiều chính sách được thực hiện để thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN – đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong vùng đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp 4.0 là lớp thứ 4 của đề án với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi sang một mô hình sản phẩm mới với từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, phát triển các KCN thông minh, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tự động hóa trong việc quản lý, vận hành các KCN như: nhà máy xử lý nước thải thông minh, đèn đường thông minh tiết kiệm năng lượng, camera giao thông thông minh…
“Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm…
Trong đó, chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thân thiện môi trường”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Nguồn : Báo điện tử của Bộ xây dựng