Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu Bình Dương tăng trưởng cao
Tình hình phục hồi, phát triển kinh tế của Bình Dương trong quý 1/2022 có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Tăng trưởng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Thông tin tại Họp báo về tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2022 sáng ngày 1/4, đại diện UBND Bình Dương cho biết, trong quý 1, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 trên các ngành, lĩnh vực, cùng với sự chủ động được nguồn nguyên liệu, thay đổi phương thức tiếp cận của doanh nghiệp (DN), kinh tế của Bình Dương có nhiều khởi sắc, phục hồi nhanh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các DN đã chủ động thích ứng trong tình hình mới, tận dụng cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhiều DN đã có nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất và nhận được đơn đặt hàng đến quý 2/2022, một số DN có đơn đặt hàng đến cuối năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 66.290 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ (quý 1/2021 tăng 8,7%).
Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 9,8%, các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông có nhiều khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 6 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư, đầu tư trong nước (đến ngày 15/3/2022) Bình Dương thu hút 15.800 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 55.267 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 546 ngàn tỷ đồng. Đối với thu hút vốn đầu tư FDI, từ đầu năm 2022 đến ngày 18/3/2022, Bình Dương đã thu hút được gần 1,7 tỷ USD (tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.040 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD.
Bình Dương cũng đã tổ chức khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VISIP III) và triển khai thủ tục xây dựng Khu công nghiệp Cây Trường và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các khu công nghiệp. Ngoài ra, Bình Dương tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Đồng thời, xúc tiến các thủ tục đầu tư dự án: Mỹ Phước – Tân Vạn, mở rộng quốc lộ 13 và các nút giao, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1.
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND Bình Dương khẳng định: “Trong quý I/2022, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 trên các ngành, lĩnh vực, đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức một số sự kiện quan trọng tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ”.
Tuy nhiên, bên cạnh có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khó khăn, lãnh đạo UBND Bình Dương cũng nhìn nhận vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giá nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu.
Bên cạnh đó còn có những vướng mắc trong đầu tư công được tập trung chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số công trình điện chậm đầu tư hoàn thành, ảnh hưởng nguồn cung phục vụ sản xuất kinh doanh…
Tập trung triển khai các dự án, kế hoạch tạo động lực phát triển kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2/2022, Phó Chủ tịch UBND Bình Dương cho biết, Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả với Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 -2023; Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về: thu hút nguồn lao động, vốn đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị…
Đồng thời, chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính với công nghệ tiên tiến, hiện đại đến đầu tư tại tỉnh. Hoàn thiện phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, Bình Dương khẩn trương hoàn thiện phương án phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch chung đô thị cấp huyện; thực hiện lựa chọn tư vấn, hoàn thiện đề cương Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai dự án đầu tư vành đai 3 (sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư), mở rộng quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai các bước thực hiện dự án: vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cảng An Tây, kéo dài tuyến metro từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng – thành phố Dĩ An, tuyến đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1…
Nguồn : Bộ Công Thương