Tín hiệu vui từ công nghệ làm robot tại Việt Nam
Mặc dù Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp robot thực sự nhưng hiện nay, vài doanh nghiệp trong nước đã thực hiện thành công một số sản phẩm robot được thị trường đón nhận. Những rào cản từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thị trường nhỏ hẹp… không cản được một số người trẻ theo đuổi lĩnh vực này lâu dài.
Thị trường đang ngày càng rộng mở
Sau hơn một năm làm việc cho công ty robot nổi tiếng của Mỹ có văn phòng tại Việt Nam, Trương Trọng Toại – cử nhân ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh xin học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc để nâng cao trình độ rồi trở về Việt Nam thành lập công ty chế tạo robot mang tên Robotics 3T. Hoạt động từ năm 2014, công ty của Trọng Toại phát triển các robot và hệ thống robot công nghiệp cho hiệu quả cao về chi phí, sáng tạo về cấu hình và giải pháp công nghệ, đáp ứng nhanh nhu cầu tự động hóa sản xuất. Sau gần ba năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến đề nghị Robotics 3T cung cấp giải pháp xử lý vấn đề và sẵn sàng ứng trước tiền để nhóm nghiên cứu. Hiện công ty nhắm đến phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị hạn chế về khả năng đầu tư dây chuyền công nghệ của những thương hiệu lớn do chi phí quá cao.
Robot đánh bóng bàn, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam
Cách đây không lâu, dòng robot kit do Công ty TNHH Robot Việt Nam (VNRobotics) đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu. Sản phẩm này đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho tuổi trẻ (học sinh phổ thông, sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ) nhờ có tính mở, cho phép người sử dụng lắp ráp và phát triển thử nghiệm các ứng dụng khác nhau như: xe đua, xe tự hành tránh vật cản, xe điều khiển từ xa, robot đá bóng,… và được đánh giá có tiềm năng ứng dụng, khả năng cạnh tranh cao nhờ làm chủ được công nghệ, giá thành thấp so với sản phẩm ngoại nhập. Theo tính toán, sản phẩm có giá thành khoảng từ 30-80 USD tùy cấu hình từ đơn giản đến phức tạp (sản phẩm ngoại nhập có giá từ 60-150 USD). Khi sản xuất số lượng lớn, giá thành sản phẩm sẽ giảm.
VNRobotics được thành lập năm 2012 từ sự đầu tư của các công ty và cá nhân đã hoạt động lâu năm trong ngành điện tử – tự động hóa (trong đó bao gồm Công ty AKB Machinery, Công ty Logicom VN, và các đơn vị khác), hiện là doanh nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (khu Công nghệ cao TP.HCM). Nhắm đến thị trường lĩnh vực tự động hóa, VNRobotics tập trung vào các sản phẩm chủ lực gồm các loại cánh tay robot công nghiệp, robot mô hình trong giảng dạy, robot tự hành, robot đồ chơi và lắp ráp, cùng các thiết bị tự động hóa khác. Các sản phẩm của VNRobotics được thiết kế hoàn toàn ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa hơn 90%.
Nhận định về thị trường và hướng phát triển, đại diện VNRobotics cho biết, hiện nay nhu cầu về các bộ kit phát triển dùng tự học điện tử – tự động hóa hoặc dùng như đồ chơi thông minh ngày càng lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm từ nhà phân phối nước ngoài giá cao, mức độ thông minh và độ phức tạp chưa hấp dẫn, chủ yếu dành cho lứa tuổi từ 10 trở xuống. Từ thực tế đó, VNRobotics sẽ cung cấp các sản phẩm có giá cạnh tranh (khoảng 3 triệu đồng/bộ) và có nhiều khả năng ứng dụng hơn dành cho các đối tượng lứa tuổi 10-25, phục vụ nhu cầu chơi và tìm hiểu về điện tử – tự động.
Nổi tiếng nhất trong lĩnh vực chế tạo robot đồ chơi phải kể đến Công ty Tosy của Hồ Vĩnh Hoàng – đội trưởng đội tuyển Robocon Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2003. Sản phẩm của Tosy đã đi vào thị trường quốc tế chủ yếu thông qua các nhà phân phối đồ chơi và các chuỗi bán lẻ lớn. Tại Mỹ, Tosy đã vào được các chuỗi bán lẻ như ToysUs, Walmart. Tosy cũng tận dụng khá sớm kênh bán hàng online thông qua Amazon và website bán hàng của riêng mình. Đến năm 2013, Tosy đã chạm mốc xuất khẩu tới 65 quốc gia trên toàn thế giới. Doanh số thu về từ các thị trường xuất khẩu của Tosy chiếm khoảng 70%.
Thành công đến từ đam mê chế tạo và am hiểu thị trường
Theo đại diện Tosy, để được thị trường quốc tế chấp nhận, sản phẩm phải đạt hai tiêu chí quan trọng là tính an toàn và tính độc đáo. Để đáp ứng được tiêu chí thứ nhất, Tosy đã đầu tư số tiền không nhỏ vào việc kiểm tra sản phẩm để có được những chứng chỉ an toàn. Bên cạnh hai tiêu chí trên, mỗi quốc gia lại có những đặc thù riêng. Một trải nghiệm đáng nhớ của Tosy là với thị trường Brazil vào năm 2011. Sáu tháng sau khi triển khai kinh doanh, doanh số bán hàng tại đây chậm hơn hẳn so với các thị trường khác. Sau khi tìm hiểu, Tosy phát hiện ra điểm yếu không nằm ở sản phẩm mà nằm ở bao bì. Người Brazil thích bao bì có màu vàng và màu xanh như màu quốc kỳ của họ. Ngay sau đó, Tosy thiết kế lại mẫu bao bì mới dành riêng cho thị trường Brazil theo đúng gu của người tiêu dùng ở đây. Kết quả là doanh số nhanh chóng tăng trưởng. Hay ở sân nhà, các phụ huynh thường muốn trẻ em học thông qua đồ chơi, vì vậy sản phẩm dành cho thị trường Việt Nam được sáng tạo thêm tính năng mới: dạy tiếng Anh. Đầu tư mạnh vào khâu tiếp thị, tiếp cận được với các nhà nhập khẩu lớn, tuy nhiên để cạnh tranh được với những thương hiệu đến từ các quốc gia có công nghệ sản xuất robot tiếng tăm trên thế giới, Tosy cần có một chìa khóa khác hữu hiệu hơn nữa, đó là giá rẻ. Theo đại diện của Tosy, tính trung bình giá thành một sản phẩm của Tosy chỉ bằng 1/6 so với giá thành sản phẩm tương đương có xuất xứ từ Nhật Bản.
Theo nhận định của Trương Trọng Toại, lĩnh vực sản xuất robot công nghiệp trong nước đang rất tiềm năng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đòi hỏi những sản phẩm có năng suất làm việc cao để thay thế con người. “Đặc thù của mảng robot là tích hợp kiến thức trong nhiều lĩnh vực như thiết kế cơ khí, mạch điều khiển, thuật toán và phần mềm điều khiển nên tôi dành trọn ba năm chỉ xây dựng nền tảng vững chắc về công nghệ. Tuy việc này mất khá nhiều thời gian và công sức nhưng trong quá trình chờ đợi sản xuất hoàn thiện robot có thể thương mại hóa từng phần nhằm lấy ngắn nuôi dài”, Trọng Toại nhận xét. Hiện tại, Robotics 3T vẫn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng đã có khoảng 20 sản phẩm công nghệ chất lượng cao như card thu thập dữ liệu, máy điều khiển nhiều trục, bộ điều khiển độ cao đầu cắt plasma… được phân phối rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang hàng chục quốc gia khác. Giám đốc Robotics 3T cho biết dự kiến doanh thu năm nay của công ty sẽ đạt khoảng 6 tỉ đồng và mức lợi nhuận có thể chiếm phân nửa trong số đó. Toàn bộ lợi nhuận sẽ tái đầu tư, phục vụ hoạt động nghiên cứu – phát triển.
Nguồn : Technologymag