GIẢI PHÁP PHỤC HỒI SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Vì thế mà các chuyên gia kinh tế phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và phục hồi sản xuất công nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến suy giảm sản xuất công nghiệp là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; lạm phát còn ở mức cao; chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng; kinh tế thế giới phục hồi chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới,…
Song đó, sức mua trong nước vẫn còn yếu dù đã khôi phục, chưa kích thích được sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, chi phí đầu vào thì vẫn ở mức cao, đặc biệt khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã bắt đầu giảm.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Đứng trước tình hình suy giảm tăng trưởng sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn, phát triển đầu ra cho hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh: “Sự nỗ lực của Bộ Công Thương là không đủ, bản thân doanh nghiệp, ngành nghề cần tăng tính liên kết để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa phải chặt chẽ và đi theo chuỗi, khi đó giá trị gia tăng mới cao và phát triển bền vững.”
Còn quan điểm của TS. Nguyễn Bích Lâm:
Quan trọng nhất là tìm đầu ra cho doanh nghiệp, lưu ý mỗi ngành có đầu ra khác nhau. Với những ngành có thế mạnh xuất khẩu như giày da, dệt may bên cạnh duy trì thị trường truyền thống cần tìm các thị trường mới.
Về thể chế, cần bỏ những quy định cản trở doanh nghiệp phát triển. Hiện nay có nhiều quy định tuy không sai nhưng không phù hợp với thực tế, khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều khó khăn, khó để đáp ứng được tiêu chuẩn để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để đưa ra những giải phải phù hợp với các ngành nghề khác nhau, các Bộ ngành, cơ quan nhà nước liên quan nên định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Về yếu tố vốn, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ quan điểm rằng: “Doanh nghiệp hiện đang khó khăn về vốn nên cần phải có giải pháp khơi mở dòng vốn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Thời gian tới cần có ngay những giải pháp để khơi thông các kênh dẫn vốn an toàn, tạo niềm tin trên thị trường trái phiếu, chứng khoán… Xem nút thắt từng lĩnh vực, lĩnh vực nào cần ưu tiên thì rót vốn vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải tính toán cố gắng giữ ổn định lãi suất.”
Cuối cùng, cần xem xét cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thanh tra và kiểm tra định kỳ, có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai mở thị trường mới rất hiệu quả cho doanh nghiệp…
Nguồn: Báo Công Thương