Thúc Đẩy Đổi Mới Sáng Tạo, Khai Khác Cơ Hội Từ CMCN 4.0
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cùng với đó là tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại và sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết của khoa học công nghệ thế giới. Đây chính là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức rất lớn cho các quốc gia như Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam cần có những giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp nội địa để đóng góp đáng kể cho việc sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, cần thực hiện các chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ tiên tiến trên thế giới cho doanh nghiệp trong nước; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư chuyển giao công nghệ và triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì tăng cường gia công, lắp ráp sử dụng lao động giá rẻ.
Việt Nam cũng cần đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học – công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nước.
Điều này đòi hỏi cần có chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa để không chỉ thu lại hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn đón đầu sự phát triển kinh tế trong tương lai. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cùng với các tổ chức KH&CN cần vạch ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế đất nước. Những việc cần làm hiện nay đối với Việt Nam là dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cân bằng lại hệ thống đổi mới sáng tạo bằng cách đặt doanh nghiệp ở trung tâm, điều phối hoạt động KH&CN của các nhân tố nhà nước, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tự xây dựng năng lực và cam kết nguồn lực lớn hơn cho đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; tích cực tham gia vào môi trường hợp tác và cạnh tranh quốc tế; chủ động làm việc với các tập đoàn đa quốc gia để tiếp thu công nghệ; phát triển các giải pháp, quy trình và sản phẩm mới.
Cũng cần nhắc đến sự xuất hiện của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 khi nói đến những định hướng phát triển cho KH&CN trong giai đoạn này. Sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học tạo ra khả năng hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc tới các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Có thể có những tác động vô cùng to lớn đến các doanh nghiệp, các Chính phủ, đến thị trường lao động, và trực tiếp đến người dân. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hỗ trợ từ những chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN để khai thác cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước hết, đó là những chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng này; cũng như những chính sách và chiến lược mới về phát triển ngành tự động hóa, công nghệ cao, cụ thể những lĩnh vực chuyên sâu như vật liệu nano, năng lượng và tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo.
Theo : VietQ